-->

Khái niệm giao tiếp là gì?

Sự tồn tại và phát triển của mỗi con người luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của những cộng đồng xã hội nhất định. Không ai có thể sống, hoạt động ngoài gia đình, bạn bè, địa phương, tập thể, dân tộc, tức là ngoài xã hội. Người La Tinh nói rằng: “Ai có thể một mình thì người đó hoặc là thánh nhân, hoặc là quỉ sứ”.
Trong quá trình sống và hoạt động, giữa chúng ta với người khác luôn tồn tại nhiều mối quan hệ. Đó là mối quan hệ dòng họ, huyết thống, quan hệ họ hàng, thôn xóm, quan hệ hành chính - công việc, quan hệ bạn bè... Trong các mối quan hệ đó thì chỉ một số ít là có sẵn ngay từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời (quan hệ huyết thống, họ hàng), còn đa số các quan hệ còn lại chủ yếu được hình thành, phát triển trong quá trình chúng ta sống và hoạt động trong cộng đồng xã hội, thông qua các hình thức tiếp xúc, gặp gỡ, liên lạc đa dạng với người khác mà chúng ta thường gọi là giao tiếp.
Hiện nay, tồn tại rất nhiều định nghĩa giao tiếp khác nhau:
- Theo Martin. P.Andelem: “Giao tiếp là quy trình trong đó chúng ta hiểu được người khác và làm cho người khác hiểu được chúng ta”.
Như vậy, tác giả cũng chỉ mới đề cập đến sự hiểu biết lẫn nhau thông qua giao tiếp là chưa thật triệt để. Bởi lẽ, giao tiếp phải đi đến sự phù hợp lẫn nhau giữa con người với con người.
- Jhon B. HonBen cho rằng: “Giao tiếp là sự trao đổi với nhau tư duy hoặc ý tưởng bằng lời”.
Tác giả chỉ dừng lại ở việc trao đổi tư duy, ý tưởng bằng lời là chưa thật đầy đủ. Trong thực tế để giao tiếp đem lại được hiệu quả cao, chủ thể cần phải biết kết hợp cả ngôn ngữ bằng lời và ngôn ngữ không lời (ngôn ngữ biểu cảm). Như vậy, tác giả đã tuyệt đối hóa ngôn ngữ bằng lời trong qná trình giao tiếp.
- Tác giả Nguyễn Văn Đáng cho rằng: “Giao tiếp là một quá trình trao đổi thông tin giữa các chủ thể, thông qua ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết và ngôn ngữ biểu cảm. Qua đó, mỗi chủ thể tham gia giao tiếp đều hướng tới sự đồng thuận mà mình mong muốn”.
Dựa vào khái niệm trên, tác giả không đề cập tới giao tiếp như là một hoạt động cụ thể của con người. Vì vậy, thiếu đi tính mục đích, kế hoạch...
Từ những quan điểm trên, có thể khái quát: Giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin nhằm nhận biết, xác lập và tác động lẫn nhau trong mối quan hệ giữa người với người để đạt tới mục đích nhất định.
BÌNH LUẬN ()