Để tồn tại và phát triển mỗi người không thể sống một mình,
tách khỏi gia đình, người thân, bạn bè, cộng đồng người mà phải gia nhập vào
các mối quan hệ giao tiếp giữa con người với con người. Thông qua đó con người
trao đổi với nhau về thông tin, về cảm xúc, tri giác lẫn nhau và ảnh hưởng tác
động qua lại với nhau.
Xét trên phương diện
xã hội
Giao tiếp tạo sự ấn định một vị trí nhất định mà mỗi cá nhân
chiếm được trong hệ thống các quan hệ xã hội. Vai trò đảm nhận tạo nên địa vị
mà người đó có trong quan hệ xã hội mà họ đang sống. Tùy thuộc vào hoàn cảnh xã
hội mà mỗi người có vai trò nhất định. Môi con người có thể đóng nhiều vai trò
khác nhau, trong đó vai trò then chốt mà cá nhân thường đồng hóa mình gắn với
nghề nghiệp. Khi con người đóng một vai trò nào đó sẽ có những hành vi ứng xử
phù hợp với vai trò này. Sự chuyển dịch vai trò cá nhân trong xã hội nói lên sự
năng động của cá nhân, sự phát triển của tập thể, tài năng của người lãnh đạo.
Xét trên phương diện
cá nhân
Giao tiếp xã hội tạo điều kiện cho con người hình thành,
phát triển và hoàn thiện nhân cách: Qua giao tiếp, từ sự đáp ứng và phản hồi của
người xung quanh, con người tiếp nhận kiến thức về thế giới, về bản thân để
hình thành nên nhân cách. Con người tự thể hiện nhân cách, tiếp tục điều chỉnh
và hoàn thiện nhân cách bản thân nhờ vào quá trình giao tiếp. Sự hoàn thiện này
diễn ra liên tục trong suốt cuộc đời con người.
Giao tiếp tốt sẽ mở rộng các quan hệ: Nhờ giao tiếp, mỗi người
gia nhập vào các mối quan hệ xã hội, tổng hoà các quan hệ xã hội tạo thành bản
chất con người, lĩnh hội nền văn hoá xã hội tạo thành tâm lí, ý thức nhân cách.
C.Mác đã khẳng định: “Bản chất con người không phải là cái gì trừu tượng, tồn tại
riêng biệt, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà các mối
quan hệ xã hội". Sự đa dạng phong phú của các mối quan hệ xã hội sẽ làm
phong phú đời sống tâm lý con người. Dân gian có câu "Đi một ngày đàng, học
một sàng khôn". Càng tích cực tham gia vào các mối quan hệ xã hội, quan hệ
giao tiếp phong phú bao nhiêu, con người càng tiếp thu được những giá trị vật
chất, tinh thần to lớn bấy nhiêu.
Con người có mối quan hệ tốt đẹp với cuộc sống xung quanh sẽ
nhận được niềm vui, sự hỗ trợ để có một chỗ đứng vững vàng trong xã hội, trong
sự nghiệp và sẽ tìm thấy được hạnh phúc cùng một tương lai luôn rộng mở.
Một xã hội được xây dựng trên nền tảng của mối quan hệ giao
tiếp chặt chẽ, tốt đẹp sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ. Dễ dàng nhận thấy ở
một xã hội kém phát triển, mối tương tác của các thành viên trong xã hội đó rất
mờ nhạt, giao tiếp trong xã hội nhiều hạn chế, kinh tế thường rơi vào tình trạng
manh mún, cuộc sống tự cung tự cấp là chủ yếu.
Tự ý thức, tự đánh giá được bản thân: Nhờ giao tiếp, con người
gia nhập vào mối quan hệ xã hội, lĩnh hội nền văn hoá xã hội, quy tắc đạo đức, chuẩn
mực xã hội, đồng thời nhận thức được chính bản thân mình, tự đối chiếu so sánh
với người khác, với chuẩn mực xã hội, tự đánh giá bản thân mình như một nhân
cách để hình thành thái độ giá trị cảm xúc. Hay nói cách khác, qua giao tiếp
con người hình thành năng lực tự ý thức.
Sự tự đánh giá bản thân mình bao giờ cũng khó khăn hơn sự
đánh giá người khác. Nếu không giao tiếp với người khác thì việc đánh giá bản
thân mình có thể mắc sai lầm: Đánh giá quá cao hoặc đánh giá quá thấp về bản
thân mình. Khi chủ thể đánh giá quá cao về bản thân mình sẽ hình thành tâm lý tự
cao, tự đại, tự mãn, dễ dẫn đến cường điệu hoá bản thân và coi thường người
khác. Ngược lại, khi chủ thể đánh giá thấp về bản thân mình sẽ hình thành tâm
lý tự ty, mặc cảm, không thấy hết khả năng của mình, có biểu hiện chán nản, thiếu
tích cực, kém nhiệt huyết trong hoạt động. Vì vậy, muốn đánh giá đúng ưu điểm,
khuyết điểm của bản thân mình thì mỗi người cần phải giao tiếp với người khác.
Không ai tuyệt đối không có khuyết điểm, người xưa cũng đã nói: Nhân vô thập toàn hoặc Ngọc còn có vết. Có thể ví như mỗi người
đeo trên vai hai cái túi: một cái túi đeo lủng lắng ở đằng trước là đựng các ưu
điểm, mặt mạnh, thành tích; cái túi đeo lủng lắng ở đằng sau là đựng các khuyết
điểm, mặt yếu, hạn chế. Thường thì ai cũng nhìn thấy rất rõ những mặt mạnh, ưu
điểm, thành tích của mình. Còn những khuyết điểm, hạn chế thì bị che lấp ở phía
sau, bản thân mình khó nhận thấy một cách đầy đủ, chính xác. Vì vậy, muốn biết
mình có ưu điểm, khuyết điểm thì cần phải được giao tiếp với người khác, biết lắng
nghe ý kiến của người khác một cách có chọn lọc, có phê phán, có căn cứ. Từ đó
chủ thể mới thấy được chính mình, mới biết mình là ai, là người như thế nào.
Khi đã hiểu biết đúng đắn về bản thân mình, mỗi người sẽ lượng hoá được sức mình mà lựa chọn hoạt
động, lên kế hoạch, tiến hành hoạt động phù hợp và mới có được sự thành công,
thành đạt. Đúng như cổ nhân đã dạy: "Biết mình, biết người.
Trăm trận, trăm thắng".