Câu 1. Phân tích làm rõ luận điểm: Thống
nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác -
Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thi hành thực tiễn mù quáng. Lý luận
mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Ý nghĩa của vấn đề này trong việc khắc phục bệnh giáo điều, kinh nghiệm
ở cán bộ hiện nay.
1. Quan hệ giữa thực tiễn và lý luận
1.1. Khái niệm thực tiễn:
Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho thực tiễn là hoạt động vật chất - cảm tính,
mang tính lịch sử, có mục đích của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.
1.2. Khái niệm lý luận:
Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, lý luận là hệ thống những tri thức được khái
quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên,
mang tính quy luật của các sự vật hiện tượng trong thế giới và được biểu đạt bằng
hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù.
1.3. Sự thống nhất giữa lý luận
và thực tiễn:
* Vai trò của thực tiễn đối với lý
luận:
- Thực tiễn là cơ sở, động lực của
nhận thức, lý luận: Thông qua và bằng hoạt động thực tiễn của con người tác động
vào sự vật làm cho sự vật bộc lộ thuộc tính, tính chất, quy luật. Trên cơ sở
đó, con người có hiểu biết về chúng. Nghĩa là, thực tiễn cung cấp “vật liệu”
cho nhận thức. Không có thực tiễn thì không thể có nhận thức. Ví dụ, chính việc
đo đạc ruộng đất trong chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp - La Mã cổ đại là cơ sở
cho định lý Talet, Pitago, v.v.. ra đời.
Thực tiễn luôn đặt ra nhu cầu,
nhiệm vụ đòi hỏi nhận thức phải trả lời. Nói khác đi, chính thực tiễn là người
đặt hàng cho nhận thức phải giải quyết. Trên cơ sở đó thúc đẩy nhận thức phát
triển. Ví dụ, dịch cúm gà H5N1 đặt ra cho nhân loại nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất
vắcxin cũng như thuốc chữa cho loại dịch cúm này.
Thực tiễn còn là nơi rèn luyện
giác quan của con người (ví dụ, thông qua sản xuất, chiến đấu những cơ quan cảm
giác như thính giác, thị giác, v.v.. được rèn luyện). Các cơ quan cảm giác được
rèn luyện sẽ tạo ra cơ sở cho chủ thể nhận thức hiệu quả hơn, đúng đắn hơn.
Thực tiễn còn là cơ sở chế tạo
công cụ, máy móc hỗ trợ con người nhận thức hiệu quả hơn. Ví dụ kính thiên văn,
hàn thử biểu, máy vi tính, v.v.. đều được sản xuất, chế tạo trong sản xuất vật
chất. Nhờ những công cụ, máy móc này mà con người nhận thức sự vật chính xác
hơn, đúng đắn hơn. Trên cơ sở đó thúc đẩy nhận thức phát triển.
- Thực tiễn là mục đích của nhận
thức, lý luận:
Nhận thức của con người bị chi phối
bởi nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại. Ngay từ thủa mông muội, để sống con người phải
tìm hiểu thế giới xung quanh, tức là để sống, con người phải nhận thức. Nghĩa
là ngay từ khi con người xuất hiện trên trái đất, nhận thức của con người đã bị
chi phối bởi nhu cầu thực tiễn.
Nếu nhận thức không vì thực tiễn
mà vì chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa thành tích thì nhận
thức sớm muộn sẽ mất phương hướng.
- Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm
tra sự đúng sai của nhận thức, lý luận:
Theo triết học duy vật biện chứng,
thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan của chân lý. Bởi lẽ, chỉ có thông qua thực
tiễn, con người mới “vật chất hóa” được tri thức, “hiện thực hóa” được tư tưởng.
Thông qua quá trình đó, con người có thể khẳng định chân lý, bác bỏ sai lầm. Phải
hiểu thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý một cách biện chứng, nghĩa là nó vừa có
tính tuyệt đối, vừa có tính tương đối. Tính tuyệt đối thể hiện ở chỗ, thực tiễn
ở những giai đoạn lịch sử cụ thể là tiêu chuẩn khách quan duy nhất có thể khẳng
định chân lý, bác bỏ sai lầm. Tính tương đối thể hiện ở chỗ, bản thân thực tiễn
luôn vận động, biến đổi phát triển. Cho nên, khi thực tiễn đổi thay thì nhận thức
cũng phải đổi thay cho phù hợp. Nghĩa là những tri thức đã đạt được trước đây
hiện nay vẫn phải được kiểm nghiệm thông qua thực tiễn.
Những tri thức, kết quả của nhận
thức chỉ có ý nghĩa đích thực khi được vận dụng vào thực tiễn phục vụ con người.
Nói khác đi, chính thực tiễn là tiêu chuẩn đánh giá giá trị của tri thức - kết
quả của nhận thức.
* Vai trò của lý luận đối với thực
tiễn:
Lý luận đóng vai trò soi đường, dẫn
dắt, chỉ đạo thực tiễn. Nhờ những đặc trưng ưu trội so với tri thức kinh nghiệm
mà lý luận có vai trò hết sức to lớn đối với hoạt động thực tiễn của con người.
Lý luận khoa học, thông qua hoạt động thực tiễn của con người góp phần làm biến
đổi thế giới khách quan, biến đổi chính thực tiễn và biến đổi chính con người.
Lý luận khoa học góp phần giáo dục,
thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào hoạt động thực
tiễn rộng lớn của đông đảo quần chúng nhân dân.
Lý luận đóng vai trò định hướng,
dự báo cho hoạt động thực tiễn, giúp hoạt động thực tiễn chủ động, tự giác, bớt
mò mẫm, vòng vo, chủ động, tự giác hơn.
* Ý nghĩa phương pháp luận:
Phải có quan điểm thực tiễn trong
nhận thức và hoạt động thực tiễn. Quan điểm thực tiễn yêu cầu:
Một là, nhận thực sự vật phải gắn
bó với nhu cầu thực tiễn của con người, xuất phát từ thực tiễn địa phương, thực
tiễn ngành, đất nước.
Hai là, nghiên cứu lý luận phải
liên hệ với thực tiễn, học phải gắn với hành.
Ba là, phải “đẩy mạnh công tác tổng
kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luân cho
việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước”. Phải lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của lý luận.
Trong hoạt động thực tiễn phải chủ
động ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm (khuynh hướng tư tưởng và hành động
tuyệt đối hóa kinh nghiệm thực tiễn, coi thường, hạ thấp lý luận) và bệnh giáo
điều (khuynh hướng tư tưởng và hành động tuyệt đối hóa lý luận, coi thường hạ
thấp kinh nghiệm thực tiễn, hoặc vận dụng kinh nghiệm của người khác, ngành
khác, địa phương khác, nước khác không tính tới điều kiện thực tiễn cụ thể của
cơ quan, địa phương, ngành mình).
Trong công tác, mỗi cán bộ phải
gương mẫu thực hiện phương châm “nói đi đối với làm”, tránh nói một đằng, làm một
nẻo, nói nhiều làm ít, nói mà không làm...
2. Bệnh kinh nghiệm
* Khái niệm: Bệnh kinh nghiệm
là khuynh hướng tư tưởng tuyệt tối hóa kinh nghiệm, coi thường lý luận khoa học,
khuếch đại vai trò thực tiễn để hạ thấp vai trò lý luận.
* Nguyên nhân
- Nguyên nhân chủ quan: dễ thỏa
mãn với vốn kinh nghiệm bản thân, ngại học lý luận, không chịu nâng cao trình độ
lý luận, coi thường khoa học kỹ thuật, coi thường giới trí thức, thiếu nhìn xa
trông rộng, dễ bảo thủ trì trệ.
- Nguyên nhân khách quan: sự tồn
tại phổ biến nền sản xuất nhỏ, trình độ dân trí thấp, khoa học - kỹ thuật chưa
phát triển, Nho giáo phong kiến còn ảnh hưởng nặng nề.
* Thực trạng:
- Thứ nhất, cán bộ mắc bệnh kinh
nghiệm thường thỏa mãn với vốn kinh nghiệm bản thân, họ cho rằng bằng kinh nghiệm
có thể giải quyết được mọi vấn đề và họ luôn hạ thấp lý luận, ngại học lý luận,
không chịu nâng cao trình độ lý luận, coi thường khoa học kỹ thuật, coi thường
giới tri thức, thiếu nhìn xa trông rộng, dễ bảo thủ trì trệ. Do không đánh giá
đúng vai trò của tri thức lý luận, đội ngũ trí thức, cán bộ lý luận chỉ chú trọng
đến những giá trị của những kinh nghiệm cá biệt, cụ thể. Bởi vì, trong một số
những kinh nghiệm cá biệt này đã mang lại lợi ích nhất định trong việc giải quyết
những vấn đề cụ thể của thực tiễn. Đây cũng chính là một trong những nguyên
nhân dẫn đến coi thường việc học tập lý luận, không giải quyết đúng đắn và thỏa
đáng mối quan hệ giữa lý luận với chính trị, giữa tính đảng với tính khoa học
trong lý luận làm cho lý luận trở nên yêu kém và lạc hậu.
- Thứ hai, biểu hiện ở lối suy
nghĩ giản đơn, phong cách tư duy áng chừng, đại khái, phiến diện yếu về lôgich,
thiếu tính hệ thống và hướng vào quá khứ là chủ yếu. Cán bộ mắc bệnh kinh nghiệm
trong hoạt động thực tiễn thường rơi vào tình trạng mò mẫm, tùy tiện đối với việc
thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước,
điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương.
- Thứ ba, bệnh kinh nghiệm của
cán bộ cấp xã còn thể hiện cả ở trong lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn.
Điều này, thể hiện rõ nét ở chỗ nhiều cán bộ khi học tập, nghiên cứu lý luân của
chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện của Đảng ... đã tiếp
thu lĩnh hội và hiểu chúng qua lăng kính chủ quan, kinh nghiệm của cá nhân
mình, thậm chí còn kinh nghiệm hóa những nguyên lý, lý luận. Vì vậy, ở không ít
cán bộ còn có thái độ đơn giản, qua loa, đại khái, nắm lý luận còn rời rạc, chắp
vá.
3. Bệnh giáo điều
Bệnh giáo điều là khuynh hướng tư
tưởng cường điệu hóa vai trò của lý luận, coi nhẹ thực tiễn, tách rời lý luận
khỏi thực tiễn, thiếu quan điểm lịch sử - cụ thể.
Biểu hiện: Nắm lý luận chỉ dùng ở
câu chữ theo kiểu “tầm chương trích cú”, không nắm được thực chất khoa học của
lý luận, không tiêu hóa được kiến thức sách vở. Coi những nguyên lý, lý luận
như những tín điều, không thấy được sức sống của lý luận là ở chỗ phải luôn sửa
đổi, bổ sung, phát triển trên cơ sở thực tiễn mới. Vận dụng lý luận và những
kinh nghiệm đã có một cách rập khuôn, máy móc, không tính đến điều kiện lịch sử
- cụ thể, đến trình độ của thực tiễn.
Nguyên nhân của bệnh giáo điều là
không biết vận dụng lý luận vào thực tế, không biết đem lý luận ra thực hành.
4. Phương hướng khắc phục:
Hoàn cảnh giai cấp vô sản của nước
ta trong buổi đầu cách mạng vừa giành độc lập tự do làm mảnh đất màu mỡ cho các
bệnh này phát triển nhanh, tuy nhiên chúng ta đã để chúng tồn tại quá dài. Để
khắc phục triệt để bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều, chúng ta cần phải quán
triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong triết học Mác -
Lênin. Cụ thể:
- Bám sát thực tiễn, lý luận phải
gắn liền với thực tiễn, thường xuyên kiểm tra trong thực tiễn và không ngừng
phát triển cùng thực tiễn, tăng cường học tập nâng cao trình độ lý luận, bổ
sung, vận dụng lý luận phù hợp với thực tiễn;
- Phải coi trọng lý luận và công
tác lý luận; nâng cao dân trí, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phổ biến
rộng rãi tri thức khoa học - công nghệ...;
- Phải đổi mới công tác lý luận của
Đảng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Quán triệt
nhiệm vụ, hướng nghiên cứu chủ yếu và phương châm lớn chỉ đạo hoạt động lý luận
của Đảng;
- Hoàn thiện cơ chế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Vì kinh tế thị trường luôn vận động và biến đổi, đòi hỏi
mọi thành phần, mọi chủ thể kinh tế phải năng động, sáng tạo, phải thường xuyên
bám sát thị trường để ứng phó cho phù hợp.
- Phải đổi mới tư duy lý luận, khắc
phục sự lạc hậu của lý luận, thu hẹp khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn bằng
cách:
+ từ bỏ lối nghiên cứu kinh viện,
tư biện;
+ thường xuyên đối chiếu lý luận
với cuộc sống, vận dụng lý luận vào hoàn cảnh thực tế của nước ta;
- Coi trọng và thường xuyên tổng
kết thực tiễn, qua đó sửa đổi, phát triển lý luận đã có, bổ sung hoàn chỉnh đường
lối, chính sách, hình thành lý luận mới, quan điểm mới để chỉ đạo sự nghiệp đổi
mới xã hội.