6.4. BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ Ở CÁC NƯỚC
6.4.1. Những cơ hội được tạo ra khi phát triển Chính phủ điện tử
Thực tiễn phát triển Chính phủ điện
tử ở ba nước Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Xin-ga-po cho thấy rằng Chính phủ điện tử đã tạo
ra nhiều cơ hội và đem lại nhiều lợi ích cho Chính phủ ba nước này:
- Tạo ra một Chính phủ hiệu quả
hơn và có trách nhiệm hơn, giảm hiện tượng quan liêu, tham nhũng của các cơ
quan công quyền.
- Người dân có thể chủ động tham gia
vào quá trình điều hành của Chính phủ ở mỗi quốc gia.
- Người dân được hưởng các dịch vụ
thuận tiện, hiệu quả và tiết kiệm hơn, từ đó kích thích khả năng truy cập thông
tin.
- Cơ sở hạ tầng công nghệ thông
tin và viễn thông, cơ sở hạ tầng nhân lực, cơ sở hạ tầng pháp lý... phát triển
cùng với quá trình phát triển Chính phủ điện tử.
- Các doanh nghiệp trong Chính phủ
điện tử có nhiều cơ hội tham gia giao dịch trên mạng, giảm chi phí và những phiền
phức khi phải làm việc với Chính phủ, từ đó đẩy nhanh năng suất, nâng cao lợi
nhuận.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế đất
nước.
6.4.2. Những thách thức phải giải quyết trong phát triển Chính phủ điện
tử
6.4.2.1. Những thách thức về kỹ
thuật
Vấn đề bảo mật luôn là vấn đề
quan trọng trong chiến lược phát triển Chính phủ ở các nước. Do vậy để đảm bảo
được tính an toàn và bảo mật những thông tin liên quan đến người dân và doanh
nghiệp, một Chính phủ điện tử cần phải có 2 thành phần công nghệ quan trọng:
- Một mạng lưới an toàn: công nghệ
này bảo vệ mạng lưới khỏi bị nghe trộm, sửa đổi thông tin được truyền tải. Mặc
dù hiện nay ở các nước đã có một số công nghệ bảo mật như SSL/V3 và S/MIME
nhưng chúng vẫn cần phát triển thêm nhiều công nghệ nữa để đảm bảo an toàn ngày
càng cao cho người sử dụng.
- Sự thẩm định điện tử: để xây dựng
Chính phủ điện tử thành công, trước tiên cần phải có một hệ thống thẩm định điện
tử đáng tin cậy cho các cá nhân, doanh nghiệp và cả các viên chức Chính phủ, những
người phải xử lý các mẫu đơn và quyết định nội dung của các mẫu đơn đó.
6.4.2.2. Khung pháp lý và chính
sách công cộng
Việc áp dụng công nghệ thông tin
và viễn thông có thể gặp phải những trở ngại về vấn đề luật pháp và chính sách.
Luật pháp và chính sách phải đảm bảo cho việc thực hiện các giao dịch và các
tài liệu điện tử diễn ra dễ dàng. Do đó các nhà hoạch định chính sách phải xem
xét ảnh hưởng của luật pháp và chính sách tới quá trình phát triển Chính phủ điện
tử.
6.4.2.3. Khoảng cách số
“Khoảng cách số” vẫn là vấn đề nhức nhối của tất cả các Chính phủ
trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử, kể cả các nước phát triển lẫn các
nước đang phát triển. Ví dụ như ở Mỹ, chính Bộ Thương mại Mỹ đã báo động về khoảng
cách số khá sâu rộng trong xã hội. Số người Mỹ da trắng có khả năng sắm máy vi
tính nhiều gấp 2 lần (40,8%) so với người Mỹ gốc Phi (19,3%). Riêng số người Mỹ
da trắng ngồi nhà truy cập Internet vẫn nhiều hơn so với tất cả người Mỹ da màu
truy cập Internet ở bất cứ đâu. Số người có trình độ cao đẳng trở lên và có khả
năng sắm máy vi tính hiện nhiều gấp mười lần (63,2%) so với những người chưa có
ngày nào bước vào ngưỡng của bậc trung học (6,8%).... Xóa bỏ khoảng cách số
không phải là chuyện một sớm một chiều, mà cần phải có sự nỗ lực hết sức của Chính
phủ trong một khoảng thời gian rất dài. Đây là thách thức không chỉ của hiện tại
mà cả tương lai, vì nếu không xóa bỏ khoảng cách số này thì không thể nào xây dựng
được một Chính phủ điện tử hoàn chỉnh.
6.4.2.4. Ngân sách cho việc triển
khai Chính phủ điện tử
Đây là vấn đề hết sức quan trọng
hỗ trợ cho việc triển khai Chính phủ điện tử được suôn sẻ. Đối với một nước có
nguồn ngân sách hạn chế, Chính phủ nên tìm kiếm các nguồn đầu tư hay có thể duy
trì các chương trình tiết kiệm để tránh lãng phí. Các nhà hoạch định chính sách
cần đặt ra các mục tiêu cụ thể và hợp lý vào các nguồn lực có sẵn.
6.4.2.5. Các cản trở khác đối với
Chính phủ điện tử
Theo cựu Phó Tổng thống Mỹ Al
Gore, có 4 cản trở lớn của Chính phủ điện tử: văn hóa quản lý, ý muốn duy trì quyền
lực, tệ nạn tham nhũng và trình độ công chức. Đây là những khó khăn nội tại của
Chính phủ. Do vậy muốn xây dựng thành công Chính phủ điện tử, Chính phủ các nước
phải giải quyết được những khó khăn này.