6.3. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ Ở MỘT SỐ QUỐC GIA PHÁT TRIỂN
6.3.1. Mỹ
6.3.1.1. Sự ra đời Chính phủ điện
tử ở Mỹ
Bộ máy hành chính hiện tại của Mỹ
là sản phẩm của xung đột chính trị trong suốt hai thập kỷ qua. Cho đến nay hệ
thống hành pháp của Liên bang Mỹ được đánh giá là khá tản mạn. Hệ thống này bao
gồm Tổng thống, các trợ lý, Bộ trưởng, 14 Bộ và hàng loạt các cơ quan khác với
khoảng ba triệu công chức. Với bộ máy chính quyền khá cồng kềnh như vậy, sự ra
đời Chính phủ điện tử thực sự là một cuộc cách mạng. Người Mỹ sớm biết rằng khi
công nghệ, khả năng sáng tạo và lãnh đạo hợp nhất thì sẽ tạo ra những kết quả mạnh
mẽ. Điều gì xảy ra nếu Chính phủ nắm lấy công nghệ thông tin với trí sáng tạo
và sự lãnh đạo táo bạo? Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả người Mỹ đều nhận thức được
Chính phủ điện tử là cách để thay đổi thế giới một cách có ý nghĩa? Và điều gì
sẽ xảy ra nếu căn bệnh thâm niên của Chính phủ là sự mất liên lạc giữa người
dân và Chính phủ được nối lại? Khích lệ bởi những câu hỏi này, hàng trăm nhà
lãnh đạo trong các ngành công nghiệp, Chính phủ, các nhà nghiên cứu và các tổ
chức phi lợi nhuận đã bắt đầu hợp tác làm việc vào tháng 11/1999 để phát triển
Chính phủ điện tử. Công việc của họ được phát động, hướng dẫn và điều phối bởi
tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ (CEG - Council for Excellence in
Government). Theo dự án này, hai chuyên gia tư vấn Peter Hart và Robert Teeter
thực hiện hai cuộc điều tra vào tháng 8/2000 và tháng 01/2001.
Cuộc trưng cầu dân ý vào tháng
01/2001 của Peter Hart và Robert Teeter cho thấy trong 03 người Mỹ thì có 1 người
nói Chính phủ điện tử nên được Tổng thống mới ưu tiên. Hai phần ba số người được
trưng cầu ý kiến ủng hộ công việc của cơ quan công nghệ Nhà trắng nhằm đổi mới
Chính phủ và cải thiện dịch vụ thông qua Internet. Hai phần ba cho rằng sự tồn
tại mối liên hệ giữa Nhà nước và khu vực tư nhân bao giờ cũng tốt hơn là để hai
khu vực này hoạt động độc lập với nhau. Cũng 2/3 số người được hỏi ủng hộ việc
sử dụng quỹ Chính phủ để giúp các bang hiện đại hóa hệ thống bầu cử, ví dụ như
lắp đặt các máy bỏ phiếu điện tử tương tự như các máy rút tiền tự động đang được
sử dụng rộng rãi ở các ngân hàng. (Nguồn
http://www.excelgov/egovepoll/index.htm)
Năm 2001, Tổng thống G.Bush đã bắt
đầu một vài nỗ lực cải cách Chính phủ nhằm làm cho Chính phủ hoạt động hiệu quả
hơn và lấy dân làm trọng tâm. Một trong những nỗ lực này là tạo nên một Chính
phủ điện tử ở Mỹ. Vì vậy, vào ngày 18/7/2001, Giám đốc cơ quan quản lý và Ngân
sách (OMB: Office of Management and Budget), ông Mitchel E.Dameils đã thành lập
nhóm thực hiện Chính phủ điện tử vạch kế hoạch hành động để thực hiện những bước
khởi đầu cho Chính phủ điện tử.
* Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử của Mỹ
Mục tiêu trong chiến lược phát
triển Chính phủ điện tử của Chính phủ Mỹ.
Phát triển Chính phủ điện tử là một
thành phần quan trọng trong chương trình quản lý của Tổng thống G.Bush. Bắt dầu
vào năm 2001, chương trình này của Chính phủ Mỹ nhằm mục đích ứng dụng công nghệ
thông tin để tiết kiệm hàng triệu đô-la lãng phí trong chi tiêu của Chính phủ,
giảm gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp khi phải làm việc với Chính phủ,
rút ngắn thời gian trả lời những câu hỏi của người dân từ hàng tuần xuống còn vài
phút. Mục đích quan trọng của chiến lược này là phải làm sao cho người dân có
thể truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ Chính phủ chỉ bằng ba lần nhấn chuột
khi sử dụng Internet.
Mục tiêu chung:
- Các cơ quan Chính phủ tập trung
vào việc hiện đại hóa thông tin ứng dụng công nghệ thông tin.
- Các hệ thống công nghệ thông
tin chính phải được công chúng thừa nhận là tuyệt đối an toàn.
- Chính phủ điện tử bước đầu đạt
được những lợi ích thiết thực như tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian mà dân
chúng phải chờ đợi để có được sự hồi âm từ phía Chính phủ, giảm gánh nặng các
doanh nghiệp, cải thiện dịch vụ Chính phủ...
- Đề ra những giải pháp giảm thiểu
chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin không cần thiết trong sáu lĩnh vực kinh
doanh của Chính phủ.
Mục tiêu cụ thể:
G2G (Chính phủ - Chính phủ)
Mục tiêu chủ yếu của loại hình
quan hệ này là làm sao cho chính quyền các cấp làm việc với nhau dễ dàng hơn để
phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Để đạt được yêu cầu này phải có biện pháp
làm cho chính quyền các bang và chính quyền địa phương có thể dễ dàng nhận được
thông tin và đáp ứng yêu cầu của nhau. Cải tiến cách truyền thông tin giữa các
cấp chính quyền sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho Chính phủ.
G2B (Chính phủ - Doanh nghiệp):
- Tăng khả năng công dân và doanh
nghiệp có thể tìm, xem và bàn luận về các quy tắc và các văn bản pháp luật.
- Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
bằng cách cho phép các doanh nghiệp có thể trình văn bản thuế và nộp thuế qua mạng.
- Rút ngắn thời gian điền vào mẫu
đơn xuất khẩu.
- Rút ngắn thời gian mà các doanh
nghiệp phải đệ trình và tuân thủ các quy tắc pháp luật.
G2C (Chính phủ - Công dân):
- Rút ngắn thời gian truy cập
thông tin về các khoản vay.
- Tăng số lượng công dân trình
văn bản thuế và nộp thuế qua mạng.
- Rút ngắn thời gian cho người
dân khi phải tìm kiếm các thông tin giải trí.
* Chính sách Chính phủ Mỹ sử dụng để đạt mục tiêu phát triển Chính phủ
điện tử.
Chính phủ điện tử sẽ cung cấp dịch
vụ ngày càng tốt hơn tới người dân với chi phí thấp hơn. Để thực hiện mục tiêu
trên, cơ quan Chính phủ điện tử và công nghệ thông tin sẽ thực hiện những chính
sách sau:
- Đơn giản hóa quá trình hoạt động
của Chính phủ nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Sử dụng ngân sách hàng năm để hỗ
trợ cho việc thực hiện dự án Chính phủ điện tử.
- Đẩy nhanh tình hình thực hiện dự
án thông qua phát triển, tuyển dụng và giữ chân lực lượng cán bộ công nghệ
thông tin có trình độ.
- Tiếp tục hiện đại hóa quản lý
thông qua ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan Chính phủ, bao gồm quản
lý chi phí, quản lý các báo cáo tài chính, quản lý sổ sách, cung cấp thông tin
và dữ liệu liên quan tới tình hình đất nước, quản lý nguồn nhân lực,...
- Liên kết lãnh đạo các cơ quan
Chính phủ để hỗ trợ cho việc thực hiện dự án Chính phủ điện tử.
6.3.1.2. Tình trạng Chính phủ điện
tử ở Mỹ
Phần lớn người Mỹ hiện nay đang sử
dụng Internet, con số này chiếm 63% trong đó có 31% số người sử dụng nó vì công
việc. Một nửa trong nhóm này (35%) là những người sử dụng một cách thường
xuyên. Công chúng có một quan điểm rất tích cực về Internet, nhưng vẫn hoài
nghi về tính an toàn của nó. 74% số người sử dụng Internet cho rằng Internet có
ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của họ. Đây là một yếu tố quan trọng khiến
cho Chính phủ điện tử không còn chỉ là lý thuyết nữa mà nó đang và sẽ trở thành
hiện thực. Những số liệu sau đây sẽ là những bằng chứng rõ ràng nhất cho sự ra
đời và tồn tại một Chính phủ điện tử ở Mỹ.
Hầu như mọi quan chức chính phủ
liên bang, các quan chức của các bang và các quan chức ở địa phương cho rằng cơ
quan của họ đều có một trang Web riêng và đang hoạt động rất tốt. Các Website
này đều đãng thông tin, một vài trang Web còn cho phép công chúng thực hiện các
giao dịch trên mạng. Một số các Website còn cho phép người truy cập đưa ra những
bình luận về các dịch vụ hoặc về các hoạt động của Chính phủ.
Hiện nay, Chính phủ đang đầu tư
cho Chính phủ điện tử và các quan chức tin tưởng việc đầu tư đang có kết quả tốt.
Chính phủ điện tử giúp các cơ quan Chính phủ trong các công việc hành chính nội
bộ, giúp tiếp cận nhiều hơn với công chúng và phối hợp tốt hơn các cơ quan các
cấp khác của Chính phủ.
Công chúng trên mạng đang sử dụng
và đánh giá rất cao các trang Web của Chính phủ. 66% người sử dụng Internet ở Mỹ
đã ghé thăm ít nhất một trong số nhiều Website của chính quyền Liên bang, chính
quyền các bang và chính quyền địa phương. Trong số đó nhiều nhất là những người
sử dụng Internet thường xuyên và những người liên quan đến Chính phủ.
Các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi
nhuận cũng tiếp cận Chính phủ điện tử. Đa số những người đứng đầu các tổ chức
này nói rằng họ có sử dụng các trang Web của Chính phủ và đánh giá các trang
Web này rất tốt. Ba phần tư các doanh nghiệp giao dịch với chính quyền liên
bang ở mức độ không thường xuyên nói rằng khả năng tìm kiếm thông tin và điều
khiển các giao dịch qua Internet đã làm cho mối quan hệ giữa họ và các cơ quan
Chính phủ không còn nặng nề như trước nữa. Họ còn cho rằng khả năng tìm kiếm
thông tin Chính phủ trên Internet làm cho họ dễ dàng tuân thủ các quy định của
pháp luật.
6.3.1.3. Thái độ của người dân Mỹ
về Chính phủ điện tử
Năm 2001, Hart Teeter đã thay mặt
hội đồng các đại biểu quốc hội tổ chức cuộc điều tra về thái độ của công chúng,
các quan chức Chính phủ và các tổ chức đối với Chính phủ điện tử, cuộc điều tra
đã rút ra ba kết luận sau:
* Người dân Mỹ tin tưởng rằng
Chính phủ điện tử đồng nghĩa với một Chính phủ hiệu quả hơn.
Cả ba đối tượng của cuộc điều tra
đều nhận thấy tiềm năng to lớn của Chính phủ điện tử trong việc nâng cao hiệu
quả hoạt động của Chính phủ. 56% công chúng dự đoán rằng trong vòng 5 đến 10
năm tới Chính phủ điện tử sẽ có những ảnh hưởng tích cực nhiều hơn là tiêu cực.
92% quan chức Chính phủ và 76% tổ chức cho rằng Chính phủ điện tử đồng nghĩa với
một Chính phủ hiệu quả hơn. Ban đầu chỉ có 58% số người Mỹ có niềm tin thấp đối
với Chính phủ điện tử. Tuy nhiên sau khi các dịch vụ của Chính phủ điện tử được
thử nghiệm thì sự ủng hộ của họ đối với Chính phủ điện tử đã tăng lên 13% thành
71%. Tuy còn khá sớm để dự đoán khả năng thay đổi niềm tin của công chúng vào
Chính phủ điện tử, nhưng kết quả của cuộc điều tra cho thấy Chính phủ điện tử sẽ
có ảnh hưởng tích cực tới mọi mặt của đời sống.
* Công chúng Mỹ mong muốn tiến
hành Chính phủ điện tử một cách thận trọng nhằm đảm bảo sự an toàn và bí mật
thông tin cá nhân.
Các đối tượng tham gia trong cuộc
điều tra còn thể hai quan điểm khác nhau về Chính phủ điện tử:
- Quan điểm 1: Nên tiến hành dần dần việc kết nối Internet giữa Chính
phủ và công chúng bởi vì còn rất nhiều người không truy cập được vào Internet
và còn nhiều vấn đề quan trọng như an toàn và bí mật thông tin cá nhân vẫn chưa
được giải quyết.
- Quan điểm 2: Nên tiến hành nhanh chóng việc sử dụng Internet trong
việc giao tiếp giữa Chính phủ và công chúng bởi vì Chính phủ điện tử tạo ra nhiều
cơ hội cải thiện dịch vụ, khả năng liên lạc và hiệu quả của Chính phủ.
65% người dân Mỹ ủng hộ quan điểm
1 tức là mong muốn tiến hành một cách chậm chạp việc thi hành Chính phủ điện tử,
trong khi chỉ có 30% người mong muốn tiến hành nó một cách nhanh chóng. Đại đa
số người dân lo lắng về độ an toàn và bí mật. Ngược lại, các quan chức Chính phủ
lại có một quan điểm đối lập, 56% các quan chức được hỏi ủng hộ quan điểm 2. Điều
này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi vì các quan chức Chính phủ biết nhiều
về Chính phủ điện tử hơn so với công chúng và đã được thấy những lợi ích của nó
một cách trực tiếp, hơn 80% tin tưởng rằng cơ quan của họ sẽ thực hiện tốt công
việc bằng cách sử dụng Internet để cải thiện hiệu quả và chất lượng dịch vụ.
* Mong muốn của công chúng về
Chính phủ điện tử không chỉ dừng lại ở những dịch vụ có chất lượng cao và hiệu
quả mà họ còn mong muốn được thông tin nhiều hơn, được trao nhiều quyền lực hơn
và mong chờ ở một Chính phủ có trách nhiệm hơn.
Người Mỹ đánh giá một cách rõ ràng
tiềm năng của Chính phủ điện tử trong việc tạo ra một Chính phủ hoạt động hiệu
quả hơn, cung cấp nhiều dịch vụ tốt hơn và thuận tiện hơn. Họ ủng hộ việc họ có
thể nộp thuế, đăng ký xe hay sinh viên có thể vay tiền qua mạng. Khi được hỏi lợi
ích nào là quan trọng nhất mà Chính phủ điện tử mang lại, 36% cho rằng tạo ra một
Chính phủ có trách nhiệm hơn đối với người dân là lợi ích quan trọng nhất, 23% ủng
hộ khả năng Chính phủ điện tử đem lại số lượng người truy nhập thông tin nhiều
hơn, 21% cho rằng Chính phủ tạo ra nhiều lợi ích hơn và hiệu quả hơn, 13% tin
tưởng rằng Chính phủ điện tử sẽ tạo ra những dịch vụ thuận tiện hơn.
Tóm lại, người dân Mỹ có nhận thức
rất tốt về Chính phủ điện tử và những lợi ích của Chính phủ điện tử. Điều này
chứng tỏ tình hình triển khai Chính phủ điện tử ở Mỹ có những dấu hiệu rất khả
quan, ít nhất thì đa số người dân Mỹ còn biết Chính phủ điện tử là gì và tại
sao phải phát triển Chính phủ điện tử. Có thể nói đây là một kết quả quan trọng
của chiến lược phát triển Chính phủ điện tử của Chính phủ Mỹ.
6.3.1.4. Một số sự kiện nổi bật
trong quá trình thực hiện Chính phủ điện tử
FirstGov.gov: Đây là Website có tới 186 triệu trang thông tin kết nối
với hơn 22.000 Website của chính quyền Liên bang và chính quyền các bang.
FirstGov.gov là một trong 50 Website tiện ích nhất do yahoo thiết kế vào tháng
7/2002, và hiện thời trang web này đã được cải tiến để cung cấp dịch vụ Chính
phủ chỉ trong vòng “3 nháy chuột”. Chiến lược “3 nháy chuột” này đã thu hút số
người sử dụng trang Web ngày càng tăng, từ 5 triệu người năm 2001 lên tới 28
triệu người năm 2002.
Volunteesr.gov: Trang Web này cho phép công dân Mỹ đăng ký làm tình
nguyện viên.
Recreation.gov: Cho phép người dân truy cập vào các công viên giải
trí và các trung tâm giải trí khác. Website này kết nối hơn 2.500 Website giải
trí khác của Chính phủ.
GovBenefits.gov: Cho phép truy cập thông tin và dịch vụ của hơn 400
chương trình của Chính phủ đạt hơn 2.000 tỷ đô la lợi nhuận hàng năm. Website
này mỗi tháng có hơn 500.000 người truy nhập.
IRS Free Filling: Hơn 78 triệu người Mỹ có thể trình văn bản thuế
trên mạng miễn phí. Theo dự đoán, có tới 3,5 triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ này
vào năm 2003.
Integrated Acquisition Environment: IEA đã cho ra đời một số trang
web và công cụ quan trọng như hệ thống phục hồi thông tin (www.PPIRS.gov) được dùng để tìm và phục hồi lại những thông tin đã
mất và hệ thống dữ liệu kỹ thuật Liên bang (www.FedTeDS.gov).
BusinessLaw.gov: Cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ khả năng truy cập
thông tin về các quy tắc pháp luật, các công cụ hỗ trợ và khả năng thực hiện
các giao dịch trên mạng. Website này cũng là một cổng thông tin được kết nối với
các trang Web của chính quyền Liên bang, chính quyền bang và chính quyền địa
phương.
Regulation.gov: Bằng cách tạo ra một hệ thống duy nhất hỗ trợ cho
quá trình làm luật, đề ra các điều lệ, các quy tắc, Website này theo dự tính sẽ
tiết kiệm được 94 triệu đô la.
GoLearn.gov: Đây là một trong những Website đào tạo điện tử được sử
dụng nhiều nhất trên thế giới. GoLearn.gov
này có hơn 45.000 người sử dụng đăng ký tham gia đào tạo với học phí rất thấp
trong khi phương pháp đào tạo truyền thông chỉ được phục vụ một số ít người,
đôi khi học phí lên tới 2.500 đến 5.000 USD một lớp học.
E-Payroll: Dự án hệ thống trả lương điện tử này sẽ rút gọn các cơ
quan quản lý tiền lương cho nhân viên Chính phủ từ con số 22 xuống còn 2, đó là
DoD/GSA và USDA/DOI. Theo dự đoán, hệ thống này giúp Chính phủ tiết kiệm được
1,2 tỉ USD trong 10 năm tới.
6.3.2. Quá trình phát triển chính phủ điện tử ở Ô-xtrây-li-a
6.3.2.1. Sự ra đời Chính phủ điện
tử ở Ô-xtrây-li-a
Đổi mới và tính hiệu quả là hai động
lực quan trọng đối với Ô-xtrây-li-a để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Tiến
bộ khao học kỹ thuật đang giúp Ô-xtrây-li-a rút ngắn khoảng cách với các nước
khác và nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Công nghệ thông tin và
viễn thông (ICT) và những ứng dụng của nó đã tạo ra sự chuyển đổi trong hoạt động
của cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ.
Trong chính sách đầu tư và phát
triển ban hành năm 1997, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a, ông Hon John Howard MP đã công
bố kế hoạch đầu tư cho sự phát triển và tăng tính năng động cho nền kinh tế Ô-xtrây-li-a.
Kế hoạch này tập trung vào việc tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy quá trình cải
cách nền kinh tế đất nước. Ngoài ra kế hoạch này còn đặt ra một mục tiêu quan
trọng cho các bộ, ban ngành là tới tháng 9/2001, tất cả các dịch vụ Chính phủ
phải được cung cấp trên mạng Internet. Vào tháng 02/2002, trong các cuộc họp của
đại biểu các quốc gia trên trên thế giới về công nghệ thông tin, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a
đã tuyên bố nước này đã được mục tiêu đề ra trong năm 2002. Đây là nền móng cho
sự ra đời Chính phủ điện tử ở Ô-xtrây-li-a. Hiện nay, Chính phủ nước này đã rất
tiến bộ so với các quốc gia khác trong việc sử dụng Internet để cung cấp dịch vụ
trực tuyến. Chính phủ Ô-xtrây-li-a đang tiến hành chuyển từ giai đoạn thứ nhất
sang giai đoạn thứ hai của Chính phủ điện tử đầy đủ hơn, trong đó việc ứng dụng
công nghệ mới vào cung cấp các dịch vụ công, cung cấp thông tin và vào quá
trình quản lý hành chính nhà nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh
nghiệp và bản thân Chính phủ.
6.3.2.2. Chiến lược phát triển Chính
phủ điện tử của Ô-xtrây-li-a
a) Các mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử
Chiến lược phát triển Chính phủ
điện tử của Chính phủ Ô-xtrây-li-a được lập vào tháng 11/2002 đã đề ra một số mục
tiêu quan trong sau:
- Đầu tư có hiệu quả hơn: Đầu tư
cho sự phát triển một Chính phủ điện tử hiệu quả là một vấn đề hết sức quan trọng
đối với Ô-xtrây-li-a. Nhưng phải đầu tư như thế nào để đạt kết quả tốt nhất lại
càng quan trọng hơn bởi kết quả đầu tư sẽ là nền tảng quan trọng cho Chính phủ
trong việc cải thiện hoạt động của Chính phủ, cải thiện quá trình hoạch định
chính sách, cung cấp dịch vụ và thông tin. Do vậy phải kiến trúc lại bộ máy
hành chính nhà nước, áp dụng công nghệ mới trong quá trình cải cách, phải lập
và quản lý dự án đảm bảo đạt được kết quả toàn diện.
Đảm bảo tính thuận tiện khi truy
cập thông tin và dịch vụ Chính phủ: Chính phủ điện tử có thể giúp người dân và
doanh nghiệp làm việc với Chính phủ để giải quyết hàng loạt các vấn đề bất kỳ
lúc nào, ở bất kỳ nơi đâu mà không cần phải biết là cơ quan nào của Chính phủ
đang cung cấp dịch vụ mà họ yêu cầu. Người dân không còn phải đứng xếp hàng giờ
bên ngoài trụ sở của cơ quan Chính phủ để được gặp các quan chức có trách nhiệm
và sau đó phải chờ đợi điện thoại trả lời yêu cầu của mình hàng tuần hay thậm
chí hàng tháng.
Cung cấp dịch vụ theo nhu cầu
khách hàng: Mặc dù chúng ta luôn nói công nghệ trong thời đại Chính phủ điện tử
đóng vai trò rất quan trọng nhưng công nghệ không quyết định loại dịch vụ điện
tử mà Chính phủ cung cấp. Ngược lại, áp dụng công nghệ để quản lý thông tin và
hoạt động kinh doanh mới là phương tiện để làm cho dịch vụ của Chính phủ được
đáp ứng được ước muốn và nhu cầu của người dân.
Thống nhất, kết hợp các dịch vụ
có liên quan: Thật không thuận tiện cho các cá nhân và doanh nghiệp khi phải thực
hiện nhiều giao dịch riêng lẻ với chính phủ để đạt được một mục tiêu duy nhất.
Để hạn chế nhược điểm này, Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ áp dụng biện pháp phân các
dịch vụ liên quan đến nhau thành từng nhóm, từ đó các dịch vụ liên quan đến
nhau có thể được thực hiện thông qua một giao dịch duy nhất.
Tăng cường sự tham gia của người
dân vào Chính phủ: Chính phủ có thể sử dụng Internet để tăng tính minh bạch
trong các hoạt động của Chính phủ và tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn với công
chúng. Khi mọi người ngày càng quen với việc tìm kiếm thông tin và sử dụng dịch
vụ công trên mạng thì họ lại càng mong chờ mối liên hệ ở cấp độ cao hơn với
Chính phủ. Điều này lại càng đem lại nhiều lợi ích cho Chính phủ khi mà công
chúng ngày càng quan tâm tới hoạt động của Chính phủ. Tính minh bạch và lòng
tin của công chúng vào Chính phủ ngày càng được củng cố khi những ý kiến của
công chúng được quan tâm để ý trong quá trình hoạch định chính sách của Chính
phủ.
Thực hiện mục tiêu: Sự liên kết
chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ là chìa khóa để thực hiện thành công 6 mục
tiêu trên. Đây chính là sự liên kết giữa các cơ quan Chính phủ trong cách thức
cung cấp thông tin và dịch vụ, cách lên kế hoạch và quản lý các thành phần của Chính
phủ điện tử như thế nào. Cơ quan chiến lược quản lý thông tin (IMSC) sẽ chịu
trách nhiệm thực hiện kế hoạch này.
b) Một số biện pháp Chính phủ Ô-xtrây-li-a lựa chọn nhằm thực hiện mục
tiêu đề ra
Đầu tư có hiệu quả hơn: Để đầu tư
có hiệu quả hơn cần phải xác định được chi phí và kết quả đầu tư. Với sự tồn tại
nhiều kênh cung cấp dịch vụ như hiện nay thì việc xác định chi phí và lợi ích của
dịch vụ trực tuyến không phải dễ. Trong khi đó người dân Ô-xtrây-li-a khi sử dụng
dịch vụ luôn hi vọng chỉ phải trả chi phí thấp. Do vậy việc đầu tư cần phải thực
hiện trong nhiều năm thì mới có thể giảm được chi phí theo yêu cầu của dân
chúng.
Đảm bảo tính thuận tiện khi truy
cập thông tin và dịch vụ Chính phủ: Có một số phương pháp để thực hiện mục tiêu
này chính phủ có thể cung cấp thông tin và dịch vụ theo khách hàng, nhóm chủ đề,
theo loại dịch vụ theo vùng, và cũng có thể cung cấp thông tin và dịch vụ công
dựa trên những sự kiện trong cuộc sống hàng ngày. Trang Web australia.gov.au và một số trang web
khác đang trong giai đoạn đầu tiên cung cấp thông tin và dịch vụ theo các nhóm
một cách logic không phụ thuộc vào việc thông tin hay dịch vụ đó do cơ quan
Chính phủ nào cung cấp.
Cung cấp dịch vụ theo nhu cầu
khách hàng: Thiết lập cơ sở cho các dịch vụ tương tác lẫn nhau sẽ làm cho các
cơ quan Chính phủ có khả năng “bỏ” các dịch vụ có liên quan với nhau thành các
dịch vụ hợp nhất theo yêu cầu của khách hàng. Điều này rút ngắn quá trình xử lý
thông tin và giảm chi phí điều hành. Các cơ quan Chính phủ còn có thể kết hợp
các dịch vụ khác nhau, không liên quan đến nhau và cung cấp chúng với tư cách
là một dịch vụ đơn nhất.
Thống nhất, kết hợp các dịch vụ
có liên quan:
+ Xây dựng một kiến trúc cung cấp
dịch vụ chung và điều hành nó: Nguyên tắc và tiêu chuẩn của kiến trúc này được
đưa ra nhằm khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông để hỗ trợ
cho quá trình cung cấp dịch vụ của Chính phủ. Đây chính là nền tảng quan trọng
cho việc phân phối dịch vụ hợp nhất. Chỉ ra các vấn đề quan trọng liên quan tới
việc đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông được coi
như là một phần trong chương trình làm việc của MISC.
+ Thiết lập các Kiến trúc điều
hành để thỏa mãn khách hàng: Thành công của một Chính phủ điện tử lấy người dân
làm trung tâm phu thuộc và khả năng đáp ứng yêu cầu của dân chúng. Nhiều cơ
quan Chính phủ đang sẵn sàng làm việc nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Việc
này cần phải có sự hiểu biết về từng thành phần khách hàng và các cách để thu
hút được sự phản hồi từ phía khách hàng.
+ Xây dựng một chiến lược đầu tư:
Để phát triển các dịch vụ tập trung vào khách hàng cần phải trả lời câu hỏi ai
sẽ trả chi phí cho việc tiêu dùng các dịch vụ đó, lợi ích thu được từ các dịch
vụ đó là bao nhiêu và việc đầu tư cần bao nhiêu thời gian? Việc cung cấp các dịch
vụ phức tạp hơn có lẽ sẽ khó thực hiện nếu không có một chiến lược đầu tư kết hợp
giữa các cơ quan chính phủ. Do vậy cần phải xây dựng một chiến lược đầu tư,
trong đó xem xét xem nguồn kinh phí dành cho hoạt động đầu tư nên lấy từ ngân
sách hay từ các nguồn thu khác? Hiện nay, việc đầu tư vào công nghệ thông tin
và viễn thông cũng gặp khó khăn do những hạn chế trong nguồn ngân sách hiện tại
của Ô-xtrây-li-a. Thông qua MISC, Chính phủ Ô-xtrây-li-a đang xem xét những vấn
đề trên để loại bỏ những trở ngại đối với chiến lược đầu tư vào công nghệ thông
tin và viễn thông.
Tạo dựng lòng tin của người sử dụng:
Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã xây dựng và tăng lòng tin từ phía công chúng thông
qua việc bán hàng những tiêu chuẩn về Website Chính phủ. Trong chiến lược Chính
phủ trực tuyến, Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã đề ra những tiêu chuẩn tối thiểu đối
với những thông tin và dịch vụ trực tuyến. Những tiêu chuẩn hiện nay vẫn còn được
áp dụng. Cơ quan quốc gia về nền kinh tế thông tin (NEIO) sẽ tiếp tục làm việc
với cơ quan quan trọng của Chính phủ để thúc đẩy thực hiện những tiêu chuẩn dịch
vụ Chính phủ Ô-xtrây-li-a (AGLS). Việc sử dụng tiêu chuẩn này của các cơ quan
hành pháp cho phép gia tăng sự truy cập thông tin từ phía khách hàng. Sau đây
là một số tiêu chuẩn quan trọng trong hệ thống các tiêu chuẩn AGLS:
+ Truy cập: đây là tiêu chuẩn
quan trọng đối với các Website của Chính phủ. Các cơ quan Chính phủ phải đảm bảo
rằng nội dung trang Web của họ phải tới được tất cả những ngươi có thể sử dụng
Internet.
+ Sự thẩm định quyền: Trong một hệ
điều hành mạng hoặc đa người dùng, đây là một tiến trình đánh giá thông tin đăng
nhập của người dùng. Tiến trình thẩm định quyền liên quan đến việc so sánh tên
và mật khẩu của người dùng với một danh sách những người dùng được phép. Nếu hệ
điều hành so thấy khớp, người dùng được phép truy xuất hệ thống, nhưng chỉ ở mức
độ như đã chỉ định trong bản cấp phép trong chương mục của người dùng đó. Trong
quá trình cung cấp dịch vụ và thông tin trên mạng, sự thẩm định quyền đảm bảo
xác định người gửi là người nhận thông tin trực tuyến, từ đó xây dựng lòng tin
và đảm bảo tính an toàn khi thực hiện các giao dịch trên mạng. Chính phủ Ô-xtrây-li-a
đã có những tiến bộ đáng kể trong thẩm định điện tử các doanh nghiệp tham gia
giao dịch với Chính phủ trên mạng.
Tăng cường sự tham gia của người
dân vào Chính phủ: Internet mang lại cho các cơ quan Chính phủ cơ hội có được ý
kiến của công chúng về các vấn đề chính sách. Có hai cách để tăng cường sự tham
gia của người dân vào Chính phủ. Cách thứ nhất là Chính phủ có thể sử dụng tối
đa những ứng dụng của Internet để quan hệ với người dân, chẳng hạn như các nghị
sĩ quốc hội có thể liên lạc với cơ quan, với quốc hội qua mạng Internet (bỏ phiếu
điện tử). Cách thứ hai tập trung vào quản lý công chúng, tức là các cơ quan
chính phủ có thể sử dụng Internet để tối đa hóa hiệu quả khi quan hệ và trưng cầu
ý kiến của công chúng.
c) Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin
+ Nghiên cứu phát triển chiến lược
quản lý kiến thức của Chính phủ điện tử: Sự phát triển một Chính phủ điện tử hiệu
quả và bền vững ở Ô-xtrây-li-a yêu cầu Chính phủ nước này cần phải chú ý nhiều
hơn tới nguồn tài nguyên được chia sẻ giữa các cơ quan Chính phủ đối với nghiên
cứu phát triển quản lý kiến thức là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo Chính phủ có
thể đạt được kết quả tốt nhất trong việc đầu tư vào công nghệ thông tin và viễn
thông.
+ Phát triển kỹ năng về công nghệ
thông tin và viễn thông trong Chính phủ: Để đảm bảo thành công trong những giai
đoạn tiếp theo của Chính phủ điện tử, những kỹ năng về công nghệ thông tin và
viễn thông cần phải được mở rộng và phát triển ở tất cả các cấp quản lý. Trách
nhiệm xúc tiến chương trình cung cấp dịch vụ và thông tin trên mạng đi vào hoạt
động nhanh chóng phụ thuộc vào các nhà quản lý công nghệ thông tin, do vậy các
nhà quản lý trong các cơ quan chính phủ cần phải có kiến thức và những kỹ năng
cần thiết đủ để hiểu được quy trình cung cấp dịch vụ trên mạng của Chính phủ hoạt
động như thế nào.
+ Chia sẻ và tái sử dụng tài sản:
Các cơ quan nhà nước đang sẵn sàng hợp tác để đưa ra chính sách nhằm xóa bỏ
hàng rào ngăn cách giữa họ. Các cơ quan Chính phủ không còn liên kết chặt chẽ
trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông thông qua việc tăng quyền
mua của Chính phủ và tái sử dụng nguồn tài sản trí tuệ có giá trị.
6.3.2.3. Thực trạng Chính phủ điện
tử ở Ô-xtrây-li-a
Chiến lược Chính phủ trực tuyến của
Ô-xtrây-li-a đã đạt được kết quả đáng kể. Các cơ quan Chính phủ hiện nay luôn đảm
bảo sẵn có cửa thông tin và dịch vụ trên Internet cho những người có nhu cầu
truy cập. Dưới đây là một số sự kiện nổi bật trong quá trình thực hiện Chính phủ
điện tử ở Ô-xtrây-li-a.
a) Business Entry Point
Dây là trang Web cung cấp thông
tin và dịch vụ miễn phí cho các doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a 24/24 giờ, 7 ngày
trong tuần. Thông qua trang Web này các doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a có thể thực
hiện các giao dịch thuận tiện hơn và đơn giản hơn. Đặc điểm duy nhất của Website
này là nó có thể cung cấp thông tin và dịch vụ của các cơ quan Chính phủ từ cấp
liên bang, Chính phủ cấp bang đến Chính phủ cấp địa phương. Website này đang tiếp
tục được hoàn thiện và cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ hơn để đáp ứng nhu cầu
của các doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a. Theo các thông tin được đăng tải trên Website
này, kể từ dầu năm 2000, Business Entry Point đã cung cấp hơn 30 triệu trang
thông tin. Gần một triệu đơn xin phép trở thành một thành viên của Australia
Business Number được thực hiện thông qua Australia Entry Point, gần một triệu
nghiên cứu được thực hiện trên Australia Business Register mỗi tháng (Nguồn: http://www.business.gov.au/).
b) Australia JobSearch (AJS)
Australia JobSearch (AJS) là nơi
cung cấp những thông tin về việc làm cho những người đang tìm việc và là nơi để
các doanh nghiệp đãng quảng cáo tuyển nhân viên. Cơ sở dữ liệu này bao gồm những
nội dung sau:
- Tất cả các công việc được liệt
kê trên các trang Web việc làm trên cả nước.
- Việc làm được quảng cáo trên
báo cáo trong nước.
- Việc làm được đăng trên công
báo Australia Public Service.
- Việc làm do các công ty đăng tải.
- Việc làm từ Hiệp hội dịch vụ tư
vấn và tuyển dụng (RCSA).
Ngoài ra, Australia JobSearch còn
liệt kê danh sách các công việc cho các dự án trợ cấp thất nghiệp và việc làm
theo mùa trên cả nước. Hiện AJS đang có hơn 50.000 vị trí và là một trong các
trang Web tuyển dụng dẫn đầu Ô-xtrây-li-a. (Theo http://www.jobsearch.gov.ai/).
c) FishOnline (http://wwxv.fishonline.tas.gov.au/)
Trang Web này cho phép truy cập
nhanh chóng thông tin về chính sách câu cá của Chính phủ, bơi thuyền, dự báo thời
tiết, các quy tắc về an toàn và môi trường cũng như xin cấp phép câu cá trên mạng.
Website này thể hiện cách các Chính phủ liên bang, Chính phủ các bang liên kết
với nhau để cung cấp dịch vụ vì lợi ích của công chúng. Đây là mô hình hiệu quả
để cung cấp dịch vụ hợp nhất trực tuyến trong tương lai.
d) Nộp thuế trên mạng (Paying tax online)
Thuế điện tử là cách an toàn để nộp
thuế và tăng doanh thu thuế hàng năm qua Internet. Thuế điện tử sử dụng công
nghệ chứng chỉ kỹ thuật số và mã hóa dữ liệu mới nhất để đảm bảo tính an toàn
và tính xác thực của các thông tin được gửi tới Cơ quan thuế Ô-xtrây-li-a (ATO).
Kể từ khi thuế điện tử được đưa
vào sử dụng, số người sử dụng phương thức nộp thuế ngày càng tăng. Tới đầu
tháng 11/2002, ở Ô-xtrây-li-a có hơn 540.000 người sử dụng nộp thuế điện tử,
tăng 52% so với năm 2001. Tốc độ thu thuế điện tử nhanh hơn rất nhiều so với
các phương thức nộp thuế thủ công. Cơ quan thuế Ô-xtrây-li-a đã xử lý 100%
doanh thu thuế điện tử trong vòng 14 ngày, trong đó có tới gần 90% được xử lý
chỉ trong 10 ngày, thấp hơn rất nhiều so với con số 42 ngày xử lý trên giấy tờ
(Nguồn: http://www.etax.ato.gov.au/).
Kết luận: trên đây là một số
thành tựu trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử ở Ô-xtrây-li-a. Nhưng
đây không phải là giai đoạn cuối cùng mà chỉ là giai đoạn đầu trong quá trình
chuyển đổi Chính phủ thông qua ứng dụng rộng rãi công nghệ để cung cấp dịch vụ
trực tuyến. Dịch vụ trực tuyến là một phần trong quá trình cung cấp dịch vụ của
Chính phủ. Đối với các cơ quan Chính phủ Ô-xtrây-li-a, kênh phân phối dịch vụ
hiện nay là kết quả của việc kế thừa các kênh phân phối truyền thống. Dịch vụ vẫn
sẽ được cung cấp thông qua các phương tiện truyền thống như điện thoại, fax hoặc
cung cấp trực tiếp tại trụ sở các cơ quan Chính phủ. Cho dù có sử dụng kênh
phân phối nào đi nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao chất lượng dịch vụ và
giảm chi phí cho cả người sử dụng lẫn nhà cung cấp dịch vụ mà cụ thể là Chính
phủ.
6.3.3. Quá trình phát triển chính phủ điện tử ở Xin-ga-po
6.3.3.1. Sự ra đời Chính phủ điện
tử ở Xin-ga-po
Có thể nói Chính phủ điện tử ở
Xin-ga-po ra đời bắt nguồn từ quyết định tin học hóa bộ máy hành chính nhà nước
vào năm 1981. Tuy nhiên, do đây là chương trình phát triển chỉ tập trung vào bộ
máy hành chính nhà nước cho nên Chính phủ điện tử ở Xin-ga-po ngày nay không
phát triển tới được mức độ mà đáng lẽ ra nếu với thời gian triển khai sớm như vậy
thì nước này phải có một Chính phủ điện tử lớn mạnh hơn nhiều. Hiện nay đối với
Xin-ga-po, phát triển Chính phủ điện tử đã là một bộ phận không thể thiếu trong
chiến lược phát triển đất nước.
Chương trình tin học hóa bộ máy
hành chính nhà nước (CSCP) bắt đầu thực hiện năm 1981 đánh dấu làn sóng đầu
tiên của Chính phủ điện tử ở Xin-ga-po. Chương trình này nhằm mục đích tiết kiệm
nguồn nhân lực, cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, cung cấp
nguồn thông tin tốt hơn cho quá trình ra quyết định của Chính phủ và nâng cao
chất lượng dịch vụ công. Mục tiêu chung của chương trình này là nhằm tự động
hóa các chức năng hoạt động truyền thống của Chính phủ và hạn chế làm việc thủ
công, chủ yếu trên giấy tờ.
Một trong chiến lược đầu tiên mà
CSCP lựa chọn được gọi là SS-SF (Smart Small, Scale Fast). Ngay từ khi công nghệ
thông tin và viễn thông chưa trở nên quen thuộc với cả Chính phủ lẫn người dân
Xin-ga-po thì người ta nhận thấy rằng để bắt đầu một chương trình cải cách,
cách tốt nhất là nên bắt đầu thử nghiệm ở quy mô nhỏ, sau đó một khi đã được
đông đảo công chúng chấp nhận mới nhanh chóng tiến hành triển khai ở phạm vi rộng
hơn. Với những nhận thức như vậy, chương trình tin học hóa quản lý hành chính
nhà nước của Chính phủ Xin-ga-po diễn ra khá nhanh chóng, tạo tiền đề cho sự
phát triển Chính phủ điện tử sau này.
Điều quan trọng là phải chú ý rằng
nếu chỉ với những kiến thức kỹ thuật đơn giản về công nghệ thông tin và viễn
thông thì sẽ không đủ để bắt đầu triển khai Chính phủ điện tử. Những ứng dụng
công nghệ thông tin và viễn thông trong cuộc sống thường gặp phải những hạn chế
như tâm lý e ngại cái mới trong một bộ phận dân chúng hay những khó khăn thường
xảy ra với các cơ quan Chính phủ trong giai đoạn đầu cung cấp dịch vụ công. Do
vậy, trước khi phát triển Chính phủ điện tử điều cần phải làm trước tiên là khắc
phục những khó khăn và loại bỏ tâm lý lo sợ này.
Trong thời gian 20 năm kể từ khi
bắt đầu triển khai, Chính phủ Xin-ga-po đã cho ra đời rất nhiều dịch vụ về
Chính phủ điện tử, từ việc cung cấp thông tin đơn giản đến những giao dịch kinh
doanh phức tạp. Hiện nay, Xin-ga-po là một trong những nước có hệ thống Chính
phủ điện tử phát triển nhất thế giới. Do vậy, các nước đang xây dựng và phát
triển Chính phủ điện tử trên thế giới nên và rất cần nghiên cứu chiến lược phát
triển Chính phủ điện tử của Xin-ga-po để trả lời câu hỏi tại sao Chính phủ điện
tử Xin-ga-po lại phát triển đến như vậy, hơn cả các cường quốc kinh tế trên thế
giới.
6.3.3.2. Chiến lược phát triển
Chính phủ điện tử của Xin-ga-po
a) Chiến lược G2C
Một nguyên lý cơ bản của mối quan
hệ Chính phủ - công dân trong Chính phủ điện tử là lấy khách hàng làm trung
tâm. Nhưng trên thực tế lại có một nghịch lý đó là hiện nay, hầu hết các chính
trị gia và các quan chức Chính phủ, những người được dân bầu ra và được trả
lương để phục vụ dân lại tự coi mình là cha mẹ dân chứ không phải đầy tớ của
dân. Họ đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của dân. Họ coi việc làm thế
nào để cai trị thoải mái, thuận tiện hơn là lắng nghe xem dân chúng muốn gì. Do
đó, người dân là khách hàng của Chính phủ đó là cách Chính phủ Xin-ga-po tạo lập
mối quan hệ Chính phủ - người dân theo chiều hướng phục vụ lợi ích của người
dân.
Cổng công dân - điện tử
(http://www.ecitizen.gov.sg/) là nền tảng của Chính phủ điện tử ở Xin-ga-po. Cổng
này cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến một cửa, qua đó mọi người dân có
thể tham gia giao dịch với Chính phủ mà không cần phải thông qua bất cứ một cơ
quan Chính phủ riêng rẽ nào. Dịch vụ và thông tin được cung cấp qua cổng này rất
phong phú và đa dạng. Thông tin và dịch vụ được phân loại thành 16 lĩnh vực:
văn hóa nghệ thuật, kinh doanh, quốc phòng, giáo dục, bầu cử, việc làm, gia đình,
sức khỏe, nhà ở, luật, thư viện, giải trí, an toàn và an ninh, thể thao, vận tải
và cuối cùng là du lịch. Mọi công dân có thể truy cập cổng công dân điện tử từ
khắp mọi nơi chỉ cần có kết nối Internet cho máy tính của mình. Các cá nhân
không có điều kiện truy cập Internet tại nhà riêng, từ cơ quan hay những cá
nhân cần có sự hướng dẫn khi truy cập các dịch vụ điện tử của Chính phủ có thể
yêu cầu sự giúp đỡ từ trung tâm trợ giúp công dân - điện tử. Trung tâm Công dân
- điện tử hiện nay có hơn 2.600 dịch vụ điện tử.
Sự kết nối đa chiều là điều kiện
tiên quyết để Chính phủ điện tử có thể hoạt động một cách hiệu quả chính là sự
kết nối điện tử đến mọi người dân Xin-ga-po. Chính phủ Xin-ga-po đang nỗ lực xây
dựng một xã hội trong đó mà công nghệ thông tin và viễn thông là một phần của
cuộc sống. Hiện nay ở Xin-ga-po, “Singapore One” là một cơ sở hạ tầng rộng khắp
cả nước. “Singapore One” bao trùm 99% phạm vi lãnh thổ, mang lại khả năng ứng dụng
công nghệ trong các cơ quan, các doanh nghiệp, trường học, gia đình, thư viện
và các trung tâm công cộng, với 7.000 điểm truy cập trên khắp đất nước
Singapore (Nguồn: E-government: The Singapore - www.infitt.org/).
Tất cả các trường đại học và cao
đẳng ở Xin-ga-po đã được trang bị đầy đủ các thông tin liên lạc hiện đại.
Xin-ga-po cũng đà thực hiện thành công mục tiêu là vào cuối năm 2002, cứ hai học
sinh cấp I và cấp II sẽ có một máy tính để phục vụ cho việc học tập.
Trong năm 2000, 75% số dân
Xin-ga-po sử dụng điện thoại di động, gần 50% người dân truy cập Internet, về mật
độ truy cập Internet tại gia, Xin-ga-po đứng thứ hai châu Á với tỉ lệ
353/10.000 người. Ngoài ra, Xin-ga-po còn là một trong những nước có tỷ lệ sở hữu
máy vi tính cao nhất trên thế giới, chiếm 61% trong năm 2000.
Xã hội điện tử và phong cách sống
điện tử: Trong một xã hội điện tử, công nghệ phải tới được và phù hợp với tất cả
mọi người, không kể tuổi tác, ngôn ngữ, sức khỏe và khả năng kinh tế. Chính phủ
Xin-ga-po đã đầu tư 25 triệu đô la Xin-ga-po để tạo ra một động thái điện tử
trong thời gian 3 năm, tập trung vào việc khắc phục khoảng cách số về thu nhập,
ngôn ngữ,.... Đặc biệt là với 4 thành phần dân cư quan trọng là người già, người
nội trợ, công nhân và người khuyết tật. Chương trình này còn nhằm mục đích cải
thiện khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong 30.000 hộ gia
đình có thu nhập thấp. Mục tiêu của Chính phủ Xin-ga-po là làm sao để không một
người dân Xin-ga-po nào cảm thấy khó khăn khi truy cập các dịch vụ điện tử của
Chính phủ. Để có được mức độ truy cập rộng khắp, các trung tâm trợ giúp Công
dân điện tử đã được đặt ở khắp các vùng trong cả nước, bố trí cán bộ nhân viên
có khả năng nói được cả 4 ngôn ngữ chính thức của nước này. Một trong các cách
để thúc đẩy việc triển khai Chính phủ điện tử là phải tạo ra một phong cách sống
điện tử trong mọi tầng lớp nhân dân. Thành công của Chính phủ điện tử phụ thuộc
vào sự chấp nhận của công chúng đối với một nếp sống mới - một phong cách sống điện
tử. Để nâng cao nhận thức của công chúng về phong cách sống điện tử, chiến dịch
kéo dài một tháng được tổ chức hàng năm bắt đầu từ năm 2000. Đến năm 2002, chiến
dịch này chuyển sang thực hiện hàng tháng thay vì hàng năm, nội dung của chiến
dịch chủ yếu tập trung vào các chủ đề cụ thể. Các chiến dịch này nhấn mạnh 4Es
- tức là học tập điện tử, giải trí điện tử, thông tin điện tử và giao dịch điện
tử - nhằm mục đích lý giải cho dân chúng thấy sự cần thiết của công nghệ thông
tin và viễn thông.
Tuy nhiên, các chiến dịch trên mới
chỉ nhằm mục đích nâng cao dân chúng về một phong cách sống điện tử, còn để hướng
người dân từ nhận thức sang chấp nhận nó, Chính phủ Xin-ga-po đã tổ chức một loạt
hội chợ trực tuyến nhằm củng cố lòng tin của công chúng vào dịch vụ trực tuyến
như mua bán hàng tạp phẩm, mua bán túi du lịch hay cung cấp dịch vụ ngân hàng
trực tuyến. Chính phủ Xin-ga-po cũng đã tổ chức các chương trình đào tạo nhằm
nâng cao hiểu biết công nghệ thông tin và viễn thông, trang bị cho hàng nghìn
người Xin-ga-po những kỹ năng về máy tính và Internet. Các chương trình đào tạo
này thường là rất nhanh chóng và luôn sẵn có. Ngoài ra, Chính phủ Xin-ga-po còn
tổ chức một chương trình gọi là Đại sứ điện tử (E-ambassador). Mục đích chương
trình này là để xóa bỏ “khoảng cách số”
giữa những người có kiến thức về công nghệ thông tin và viễn thông với những
người chưa có kinh nghiệm gì bằng cách người đi trước giúp đỡ người đi sau.
Chương trình này được tổ chức rộng rãi trong công chúng, nêu cao tinh thần tự
nguyện, kêu gọi những người đã biết giúp đỡ những người chưa biết từng bước làm
quen với phong cách sống điện tử.
b) Chiến lược G2B
Mục tiêu của chiến lược G2B của
Xin-ga-po là tạo mối quan hệ điện tử giữa Chính phủ và doanh nghiệp hiệu quả hơn,
thuận tiện và chi phí thấp. Mô hình Business Town
(http://www.gov.sg/singov/biz.htm) của trung tâm Công dân điện tử là một tiến bộ
quan trọng trong phương pháp lấy khách hàng làm trung tâm để cung cấp dịch vụ điện
tử. Giờ đây, các dịch vụ G2B phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp như lên kế
hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường, quản lý nguồn tài sản trí tuệ,...
Một hướng dẫn gồm 10 bước được
xây dựng nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp mới trở thành các doanh nghiệp thành
công trên thương trường. Business Town còn có các kế hoạch và chương trình hỗ
trợ để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực thương
mại điện tử cũng như hiện dại hóa, nâng cấp và mở rộng lĩnh vực kinh doanh truyền
thống của công ty. Thông qua công nghệ thông tin và viễn thông, Chính phủ
Xin-ga-po quyết tâm không chỉ cung cấp các dịch vụ điện tử mà còn đóng vai trò
ngày càng lớn trong sự phát triển của các doanh nghiệp ở nước này.
Thu mua trực tuyến: Thu mua trực
tuyến có thể giúp các doanh nghiệp giảm chi phí quản lý và tạo được nhiều mối
quan hệ với nhiều nhà cung cấp trên thế giới. Chính phủ Xin-ga-po đã thiết lập
hệ thống thu mua trực tuyến của Chính phủ vào tháng 12/2000, được gọi là trung
tâm kinh doanh điện tử của Chính phủ (GeBiz). Trung tâm này tạo cơ hội cho các
nhà cung cấp trong và ngoài nước buôn bán với khu vực công, cho phép họ có thể
thực hiện các giao dịch điện tử với Chính phủ. Một khi hoàn thiện, hệ thống này
sẽ mang lại cho người mua, các nhà cung cấp và đấu thầu một môi trường an toàn
cho mọi hoạt động thu mua và đấu thầu.
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh
doanh: Trong môi trường kinh doanh năng động hiện nay, công việc dễ dàng và cần
thiết nhất để bắt đầu và hợp thức hóa công việc kinh doanh là đăng ký kinh
doanh với Chính phủ. Các công ty có thể gửi yêu cầu thành lập công ty trên mạng.
Đơn đăng ký kinh doanh (Bizfile) có thể thực hiện trên mạng mà không cần phải
trực tiếp đến trụ sở của Cơ quan đăng ký kinh doanh (RCB: Registry of Companies
and Businesses). Công chúng có thể nhận được thông tin chính xác và cập nhật
liên quan tới các doanh nghiệp thông qua eBizCore. Ngoài việc đăng ký kinh
doanh, các doanh nghiệp cũng có thể nhanh chóng xin giấy phép và các yêu cầu
khác thông qua hệ thống xin cấp phép trực tuyến (OASIS). Các doanh nghiệp có thể
sử dụng hệ thống này bất cứ đâu, miễn là nơi đó có nối mạng Internet mà không cần
phải gửi đơn xin cấp phép nhiều lần hoặc phải thực hiện nhiều cuộc viếng thăm của
các cơ quan Chính phủ mới có thể bắt đầu công việc kinh doanh của mình.
c) Chiến lược G2E
Bên cạnh công chúng và doanh nghiệp,
các nhân viên Chính phủ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của Chính phủ
điện tử. Các nhân viên Chính phủ chịu trách nhiệm thực thi chính sách và phân
phối dịch vụ, do vậy, mục tiêu của chiến lược G2E là trao quyền cho các quan chức
Chính phủ, sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để giữ cho mình không ở bên
ngoài lề của nền kinh tế điện tử.
Để thực hiện thành công Chính phủ
điện tử, yêu cầu đầu tiên là bản thân người cung cấp thông tin và dịch vụ điện
tử phải hiểu rõ về công nghệ thông tin và viễn thông. Xuất phát từ yêu cầu này,
chương trình giáo dục công nghệ thông tin và viễn thông (IE) đã được tổ chức nhằm
trang bị cho tất cả các nhân viên Chính phủ những kỹ năng cần thiết dể tận dụng
cơ hội sáng tạo ra một Chính phủ điện tử thực sự.
Nâng cao tri thức trong Chính phủ:
để khuyến khích và ủng hộ ý tưởng Quản lý tri thức của Chính phủ Xin-ga-po, một
chương trình thử nghiệm về quản lý tri thức (KM-EP: Knownledge Management
Experimentation Programme) được phát động tháng 7/2001 để tạo ra một môi trường
làm việc tri thức trong Chính phủ.
Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông
tin và viễn thông vững mạnh: Cốt lõi của hạ tầng công nghệ thông tin Chính phủ
là một loạt các công cụ như thể thông minh, hệ thống E-mail của Chính phủ và mạng
nội bộ của Chính phủ. Cơ sở hạ tầng này tạo điều kiện thuận lợi cho thông tin
liên lạc trong nội bộ Chính phủ cũng như giữa Chính phủ với người dân. Ví dụ, hệ
thống E-mail của Chính phủ hiện nay có 30.000 người sử dụng, mỗi tháng xử lý
hơn 12 triệu E-mail trong nội bộ Chính phủ và 5 triệu E-mail trao đổi giữa Chính
phủ với người dân mỗi năm. (Nguồn E-govemment: The Singapore - www.infitt.org/).
Cải thiện tính hiệu quả trong hoạt
động của Chính phủ: Một hệ thống quản lý nhân lực sẽ tạo điều kiện thực hiện
chính sách nguồn nhân lực của Chính phủ một cách nhanh chóng. Mục đích của hệ
thống này là cải thiện hiệu quả hoạt động của Chính phủ cũng như trợ giúp các bộ,
các ngành trong việc quản lý nguồn tài nguyên.
6.3.3.3. Thực trạng Chính phủ điện
tử ở Xin-ga-po
Những nỗ lực xây dựng và phát triển
Chính phủ điện tử của Xin-ga-po đã đạt được một số kết quả đáng kể. Cổng Chính
phủ điện tử của Xin-ga-po có 1,2 triệu người truy cập mỗi tháng. Một cuộc điều
tra tiến hành vào tháng 7/2002 cho thấy 1/3 số người được hỏi nói rằng họ thích
phương pháp giao dịch điện tử của Chính phủ tương đương, nếu không nói là tốt
hơn dịch vụ điện tử của khu vực tư nhân. (Nguồn E-govemment: The Singapore -
www.infitt.org/).
Một số nhà phê bình nước ngoài
cho rằng Xin-ga-po là nước đứng đầu thế giới về Chính phủ điện tử. Trong hội
nghị về Chính phủ điện tử năm 2002 tổ chức tại Washington, Xin-ga-po được nhận
giải thưởng Explorer Award cho những thành công của quá trình xây dựng và phát
triển Chính phủ điện tử. Chính phủ Xin-ga-po rất nghiêm khắc khi thực hiện cải
thiện dịch vụ công. Điều này xuất phát từ tư tưởng cho rằng một dịch vụ không
minh bạch và hiệu quả sẽ là một yếu tố quan trọng đối với thành công trong
tương lai của Chính phủ điện tử ở Xin-ga-po. Tuy nhiên, tương tự các nước khác,
“khoảng cách số” vẫn còn là tồn tại
ngăn cách một bộ phận dân chúng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà một khi
họ không biết gì về những tiến bộ khoa học kỹ thuật này thì sẽ không thể ủng hộ
nó. Do vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chính phủ Xin-ga-po cần quan
tâm đến nhóm người này để có thể thu hút sự chú ý và ủng hộ của họ. Ở quốc đảo
nhỏ bé này, khoảng cách giữa có hay không một “khoảng cách số” là rất mỏng
manh.
a) Một số thành tựu về Chính phủ điện tử của Xin-ga-po
- Công dân điện tử (http://ecifizen.gov.sg/)
- NTU (Nanyang Technological
University) - Đại học công nghệ Nanyang ở Xin-ga-po quản lý mọi hoạt động của
trường thông qua Website http://www.ntu.edu.sg/.
Hạ tầng công nghệ thông tin tại
NTU có thể xếp hàng đầu nếu so sánh với các trường đại học Âu - Mỹ. Cán bộ và
sinh viên NTU có thể truy cập đến Website của trường để vào hệ thống ứng dụng
dành riêng (http://www.ntu.edu.sg/stafflink cho cán bộ và
http://www.ntu.edu.sg/studentlink cho sinh viên).
Hệ thống Stafflink: Hệ thống này
giải quyết mọi công việc liên quan đến giảng dạy và hành chính như lịch giảng,
phân bố lớp học, điền điểm thi vào cơ sở dữ liệu, thiết lập bảng lương, tài
chính, các công trình nghiên cứu... nhờ đó, quá trình xử lý được rút ngắn từ
hàng tuần khi dùng giấy từ xuống vài phút. Hệ thống này được truy cập qua
Internet nên rất tiện cho người sử dụng.
Hệ thống Studentlink: Điểm và
thông tin liên quan đến quá trình học tập của sinh viên đều có trên hệ thống
này. Sinh viên có thể truy cập vào Studentlink để cập nhật thời khóa, lịch học,
lớp học, nhóm thực hành thí nghiệm, xem điểm thi...
Hệ thống Edventure
(http://edventure.ntu.edu.sg/) là hệ thống lớp học ảo vào loại hiện đại nhất thế
giới. Các môn học, kể cả tài liệu tham khảo và nội dung bài giảng đều được đưa
vào đây. Giáo sư thông báo lịch học, tài liệu và trao đổi với sinh viên tại địa
chỉ này. Hiện nay hệ thống video đang được thử nghiệm để truyền hình bài giảng
từ xa, cho phép giáo sư có thể giảng bài qua hệ thống Edventure mà không phải
đích thân đến giảng đường. Mỗi giảng đường đều được trang bị hệ thống máy tính
và máy chiếu. Giáo sư truy cập bài giảng từ Edventure và chiếu trực tiếp tại giảng
đường.
Hệ thống Microsoh Exchange: đây
là hệ thống E-mail cá nhân và các thư mục, trao đổi thông tin của trường dạy
trên nền Microsoft Exchange. Các cơ sở dữ liệu ở đây cho phép nhanh chóng tìm
tên người, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ E-mail. Các hoạt động khác như đặt
phòng họp, thông báo hội thảo đều được tiến hành tự động trên hệ thống.
Hệ thống thư viện: thư viện của
NTU là nơi ứng dụng công nghệ thông tin nhiều nhất. Cơ sở dữ liệu sách trong
thư viện được quản lý bằng OPAC. Mỗi quyển sách đều có mã vạch từ điển và mã vạch
chống lấy trộm. Người sử dụng tìm tên sách trên mạng OPAC, chọn sách và mượn
sách qua máy tự động. Hệ thống đặt sách, đặt cảnh báo quá hạn,... đều chạy trên
máy tự động.
Ngoài ra thư viện còn đăng ký
truy cập tới các thư viện điện tử trên thế giới, các tạp chí chuyên ngành. Tài
liệu được tải về máy tính cá nhân trong vài giây mà người dùng không cần đích
thân đến thư viện. Hệ thống dữ liệu của NTU cũng như luận án tốt nghiệp của
sinh viên đều được số hóa và cài đặt trên cơ sở dữ liệu của thư viện.
Hệ thống quản lý nhân sự và bảo mật:
Mỗi cán bộ và sinh viên của NTU đều có thẻ chứng minh. Thẻ chứng minh được dùng
tại thư viện khi tự động mượn sách hay tại các cơ sở thể dục thể thao của trường.
Mô hình trên đây của NTU không chỉ cho thấy những ứng dụng hiệu quả của
Internet trong môi trường đào tạo mà còn phản ánh một xu hướng mới: biến Website
thành công cụ hành chính. Đây là xu hướng mới của nhiều tổ chức, nhất là các tổ
chức hành chính, quản lý ở các quốc gia phát triển.