Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),
hơn 1/3 dân số ở hầu hết các nước ở thời điểm nào đó trong cuộc đời có các rối
loạn đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán của một hoặc hơn một loại rối loạn tâm thần
thường gặp. Tỷ lệ lần lượt ở các nước là Brazil (36,3%), Canada (37,5%), Đức
(38,4 %), Hà Lan (40,9%) và Mỹ (48,6%). WHO (2001), khoảng 450 triệu người trên
toàn thế giới bị một số rối loạn tâm thần hoặc thần kinh và một trong bốn người
đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ.
Các cuộc điều tra quy mô lớn ở Mỹ
từ năm 2000 đến năm 2003 chỉ ra rằng, trong những nhóm các rối loạn được đánh
giá, gần một nửa số người Mỹ (46,4%) báo cáo đáp ứng các tiêu chí có các rối loạn
tâm thần tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ, các rối loạn có thể là rối
loạn lo âu (28,8%), rối loạn cảm xúc (20,8%), rối loạn kiểm soát xung động
(24,8%) hoặc rối loạn liên quan đến sử dụng chất gây nghiện (14,6%). Nghiên cứu
ở châu Âu (2004) cho thấy khoảng 1/4 dân số ở một thời điểm nào đó trong quãng
đời người đáp ứng tiêu chuẩn đối với ít nhất một trong số các rối loạn tâm thần
trong DSM-IV, bao gồm các rối loạn cảm xúc (13,9%), rối loạn lo âu (13,6%), rối
loạn liên quan đến rượu (5,2%). Khoảng 1/10 dân số đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn
đoán trong giai đoạn 12 tháng. Khảo sát (2005) ở 16 nước châu Âu cho thấy 27%
người trưởng thành bị ít nhất một rối loạn tâm thần trong giai đoạn 12 tháng.
Các khảo sát về rối loạn lo âu ở các nước cho thấy tỷ lệ trung bình trong cả đời
người khoảng 16,6%, phụ nữ có tỷ lệ mắc trung bình cao hơn. Tương tự, những cuộc
khảo sát về rối loạn cảm xúc ở các nước khác nhau cho thấy tỷ lệ mắc trong
quãng đời người là 6,7% đối với rối loạn trầm cảm và 0,8% rối loạn lưỡng cực.
Châu Á có tỷ lệ mắc các rối loạn
tâm thần tương đối thấp như ở Trung Quốc là 13,2%, 14,4% ở Iran và 18% ở Nhật Bản.
Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường như nhau ở cả nam giới và nữ giới, tuy
nhiên nữ giới có tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn. Mỗi năm có 73 triệu phụ nữ mắc trầm
cảm và tự sát xếp hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây tử vong ở nữ giới
trong độ tuổi 20-59. Các rối loạn trầm cảm gây loạn hoạt năng ở 41,9% nữ giới
so với 29,3% ở nam giới.
Điều tra tỷ lệ các rối loạn tâm
thần (2000) tại Việt Nam ở quần thể dân số là 39/156 người: tỷ lệ của 10 rối loạn
tâm thần chủ yếu là 14,9%. Trong đó, Bệnh tâm thần phân liệt (0,47%); Động kinh
(0,35%); Rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não (0,51%); Chậm phát triển tâm
thần (0,63%); Sa sút trí tuệ (0,88%); Trầm cảm (2,8%); Lo âu (2,6%); Rối loạn
hành vi thanh thiếu niên (0,9%); Lạm dụng rượu (5,3%); Nghiện chất dạng thuốc
phiện (0,3%). Trong bảng liệt kê trên chưa kể đến một số bệnh lý tâm thần thường
gặp do những nhân tố tâm lý xã hội không thuận lợi gây nên như lo âu, trầm cảm,
tự sát, rối loạn tình dục,... Nếu có được số liệu điều tra đầy đủ, tin cậy thì
tỷ lệ các rối loạn tâm thần xấp xỉ với số liệu đã được công bố ở nhiều nước
trên thế giới, khoảng 20-25% dân số.